Khoảng 2 năm trở lại đây, từ một hòn đảo hoang sơ ít khách du lịch biết đến, Lý Sơn đã trở thành một địa điểm được giới trẻ in dấu chân, check-in nhiều nhất. Nhưng Lý Sơn của thời hiện tại dù đông vui nhộn nhịp lên, lại khiến người ta lo về một thiên đường sẽ bị biến mất...
Đó là những ngày cách đây vài năm về trước, khi chúng tôi quyết định bỏ xa khói bụi Sài Gòn để lên đường đến đảo Lý Sơn. Thời đó, dân du lịch chỉ thích những thiên đường nghỉ mát có khách sạn tiện nghi, có bãi biển dài cát trắng, họ nghe đến những hòn đảo tiền tiêu cách xa đất liền thì lại thấy vô cùng lạ lẫm.
Hơn ai hết, chúng tôi biết khó có nơi nào mang đến cho mình cảm giác yên bình, thanh tịnh như ở Lý Sơn. Ở nơi đó, không có những ngày cắm mặt vào màn hình máy tính trên văn phòng, không phải nghe những cuộc điện thoại khó chịu từ đầu dây bên kia, cũng không cần biết hôm nay mạng xã hội đang bàn tán điều gì. Lý Sơn ngày ấy không có điện lưới quốc gia, không có wifi, đôi khi còn mất sóng điện thoại, nhưng đặt chân đến hòn đảo ấy, chúng tôi cảm thấy mình là một phần của thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và vắng vẻ tại đây.
Từ cảng Sa Kỳ ra đến đảo Lý Sơn chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu, không phải tàu du lịch chuyên chở khách mà là tàu chợ của những ngư dân sống ở đây, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu duy nhất từ đất liền ra đảo. Cảng Sa Kỳ ngày ấy chỉ có một quầy bán vé nằm chơ vơ giữa mênh mông hiu quạnh. Từ 5h sáng, tôi và những người bạn đi cùng đã phải ngồi, nằm, “lê lết” đủ mọi tư thế trước quầy vé đang có hàng chục người chờ trước để mong mua được tấm vé lên tàu ra đảo.
Cầu tàu ở đảo Bé.
Đảo Lý Sơn vốn là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25 - 30 triệu năm. Các mạch nước ngầm nóng dưới chân núi lửa cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt cho Lý Sơn. Trên đảo, chỉ có những mốc thời gian có điện là từ 11h sáng đến 13h và từ 18h đến 21h, còn lại thì hoàn toàn… chìm trong bóng tối.
Dưới chân chùa Đục.
Hoàng hôn ở biển rất thanh bình, yên tĩnh và đẹp lạ.
Chúng tôi đã đi thuyền qua xã An Bình, đảo Bé, hai bên con đường mòn dẫn ra biển là những ô ruộng tỏi lớn nhỏ được chia cắt bởi các bờ đá ong xếp chồng ngộ nghĩnh. Chúng tôi đã ngỡ ngàng khi thấy những rạn san hô lóng lánh dưới mặt biển trong xanh đến sững sờ và từng bầy cá chuồn bay lên chào đón.
Lý Sơn của thời hiện tại: điện đã có, khách đã đông nhưng...
Về với vòng xoay hối hả của thành phố, chúng tôi lại nhớ Lý Sơn, để rồi tự dặn lòng mình, cứ mỗi năm 1 lần phải quay lại những ngày xanh ngắt ở đây, để được hòa mình vào hương gió biển và cả những đêm trời tối không bóng điện đèn.
Thế nhưng lần trở lại gần đây nhất, Lý Sơn thực sự đã thức dậy sau dự án cấp điện quốc gia bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển. Hơn 5.000 hộ dân với 22.000 nhân khẩu ở Lý Sơn vui mừng khôn xiết khi không còn phải chịu cảnh thiếu điện trầm trọng như trước.
Từ khi có điện, hàng loạt hộ dân đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động trên các ruộng tỏi, hành của họ.
Có điện lưới quốc gia như đòn bẩy tạo cú hích cho huyện đảo Lý Sơn phát triển mọi lĩnh vực, sự lan tỏa này đến với các doanh nghiệp đầu tư, hàng loạt dự án được đề nghị đầu tư xây dựng trên đảo, hàng chục hãng du lịch mở rộng các tour du lịch sinh thái biển. 15 hải lý từ cảng Sa Kỳ ra đến cầu tàu An Vĩnh của đảo Lý Sơn không còn xa vời như hàng trăm năm nay nữa. Thậm chí trong những ngày lễ, Tết, Ban quản lý Cảng còn phải tăng thêm nhiều chuyến tàu để đón khách du lịch.
Cảng Sa Kỳ heo hút năm xưa nay đã được xây mới với nhiều dịch vụ tiện ích.
Ngoài tàu cao tốc và tàu cá của ngư dân, giờ đây khách du lịch còn có thể lướt trên những con sóng ra đảo với ca nô tốc hành này.
Lẽ
dĩ nhiên chúng tôi không thể cứ mãi ích kỷ mong giữ riêng Lý Sơn hoang
vắng yên bình ngày trước cho chính mình. Lý Sơn rồi cũng thay đổi, điều
đó tốt cho người dân huyện đảo, tốt cho những khách du lịch muốn nghỉ
dưỡng tại hòn đảo tuyệt đẹp này. Nhưng chúng tôi cũng không giấu được
một chút cảm giác rất... hẫng khi vừa bước xuống cảng tàu lại gặp ngay
cảnh chèo kéo khách du lịch - những hình ảnh xấu xí vốn đã khiến không
ít điểm du lịch nổi tiếng bị khách tẩy chay...
Cảnh
đẹp hùng vĩ hoang sơ của Hang Câu ngày trước cũng đã mọc lên vô số bàn
ăn, ghế nhựa, những vỏ lon bia do các khách nhậu xong vứt ngay trên bãi
cát. Bạt che, lô cốt được dựng lên làm một phòng tắm nước ngọt với giá
10.000 đồng/ người.
Có
đầy đủ dịch vụ, từ ăn uống, nghỉ dưỡng đến tắm nước ngọt nên đã đáp ứng
được nhu cầu của phần đông khách du lịch. Người dân trên đảo cũng được
lợi rất nhiều khi có thêm nguồn thu nhập từ các kiểu kinh doanh dịch vụ
này. Nhưng nhìn toàn cảnh, Lý Sơn đã dần mất đi tính hoang sơ ở những
cảnh quan tự nhiên.
Lần rời Lý Sơn này
chúng tôi không mang theo những ký ức màu xanh nữa, thay vào đó là những
mảng màu ngũ sắc của những chiếc ô dù, màu xám của bê tông và những
công trình đang xây dở, là màu của những lon bia, chai nhựa mà người ta
vô tư vứt trên bãi cát.
Lý
Sơn vẫn xanh, nhưng con đường đi thẳng ra bãi biển xanh ấy đã bị chắn
ngang bởi những hàng quán tạm bợ. Những ghềnh đá của Lý Sơn vẫn sừng
sững, nhưng lại bị điểm tô bởi chậu, bởi xô, bởi ghế của một dịch vụ tắm
nước ngọt tự phát. Lý Sơn vẫn thật tuyệt vời nếu đứng từ trên cao phóng
tầm mắt ra ngắm trời biển, nhưng lại bị gợn một góc bởi "trạm dừng
chân" uống nước mọc lên thật vô lí, trái ngang...
Mùi
gió biển vẫn mằn mặn, trời vẫn xanh và cát vẫn trắng, nhưng trong lòng
những người trẻ "ăn bờ, ngủ bụi" dưới gốc dừa ngày trước dâng lên một
niềm tiếc nuối.
"Sẽ không để Lý Sơn bị "bê tông hóa"
Có lẽ điều mà những người yêu quý hòn đảo này lo lắng nhất hiện nay là Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ cảnh quan khi các công trình kiến trúc thi nhau mọc lên át đi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của hòn đảo này.
Các quán ăn, dịch vụ tự phát thay nhau mọc lên trên đảo Bé.
Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn vào ngày 20/8 vừa qua, toàn huyện hiện có 2 khách sạn, 14 nhà nghỉ, 2 nhà trọ, 37 nhà ở cộng đồng với tổng số 194 phòng. 14 xe ô tô du lịch và 9 xe taxi cũng được đưa lên huyện đảo để phục vụ khách du lịch. Tính riêng trong năm 2014 có tổng 36.620 lượt khách đến Lý Sơn.